Điện lực A Lưới là đơn vị trực thuộc PC Thừa Thiên Huế hiện đang quản lý vận hành hơn 56 km đường dây trung áp 35kV, 177 km đường dây trung áp 22kV, gần 212 km đường dây hạ áp 0,4kV, 02 TBA trung gian và 138 Trạm biến áp (TBA) phân phối. Hệ thống lưới điện trải dài qua nhiều dạng địa hình, phần lớn đi qua đồi núi, rừng nguyên sinh và bị chia cắt bởi nhiều sông suối nên công tác quản lý vận hành lưới điện của Điện lực gặp khá nhiều khó khăn, đặc biệt là trong mùa mưa bão.
Hàng năm, trước mùa mưa bão, các đơn vị quản lý vận hành tăng cường công tác kiểm tra toàn bộ hệ thống đường dây, trạm biến áp để có đánh giá phân loại và thống kê những tồn tại trong vận hành nhằm đưa ra các giải pháp khắc phục, củng cố, đảm bảo an toàn vận hành lưới điện. Bên cạnh đó, để chủ động trong công tác quản lý vận hành, các đơn vị Điện lực cũng chỉ đạo các bộ phận trực thuộc đẩy mạnh theo dõi, bám sát các tình huống, đánh giá đúng hiện trạng thực tế, đặc điểm khu vực các tuyến đường dây, các vị trí xung yếu để lập ra phương án xử lý sự cố đồng thời tổ chức diễn tập các tình huống giả định nhằm chủ động ứng phó và chuẩn bị kỹ lưỡng phương án khắc phục thiệt hại sau thiên tai.
.jpg)
Các tuyến đường dây cấp điện hầu hết đi qua các địa hình đồi núi và đèo dốc cao
Mặc dù đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, tuy nhiên với tác động cực đoan, bất thường của thời tiết cùng với địa hình phức tạp, nhiều địa bàn như xã Lâm Đớt, Đông Sơn, A Roàng, Hồng Thủy, Hồng Hạ, Hương Nguyên… việc quản lý, vận hành hệ thống điện vẫn còn gặp rất nhiều trở ngại, thường xuyên bị chia cắt khi có mưa bão, áp thấp nhiệt đới gây mưa lớn kéo dài.
Trong điều kiện thời tiết cực đoan, việc thực hiện tốt nhiệm vụ cấp điện an toàn, liên tục càng trở nên khó khăn đối. Với đặc điểm địa hình đồi núi, đèo dốc, việc di chuyển đến các địa bàn vùng sâu, xa để kiểm tra, sửa chữa, khắc phục sự cố thật không dễ dàng. Trời mưa thì trơn trượt, trời giông lốc, sấm sét thì nguy hiểm, tiềm ẩn nhiều nguy cơ đe dọa đến sự an toàn của anh em.
.jpg)
.jpg)
Nhiều khu vực địa bàn vùng đồi núi thường xuyên bị chia cắt trong mùa mưa bão
Khi có mưa lũ, nước từ thượng nguồn đổ về rất nhanh, việc nắm bắt thông tin để tạm thời ngừng cấp điện tại những vùng có nguy cơ ngập lụt cần phải kịp thời, gấp rút. Hơn thế nữa, tại các vùng sâu trũng, nước dâng cao, nhiều khi gây ngập toàn bộ hệ thống đo đếm vì thế ngay sau khi nước rút, đơ vị quản lý lưới điện phải huy động tối đa lực lượng để tiến hành kiểm tra, thay thế đồng loạt, việc di chuyển phương tiện, vật tư, thiết bị trong những thời điểm đó là một vấn đề hết sức nan giải.
Gian nan nhất vẫn là những vùng có mật độ dân cư thưa thớt lại còn bị chia cắt, cô lập khi mùa mưa lũ về. Để đảm bảo công tác an toàn lưới điện, tiếp cận địa bàn để sửa chữa, xử lý sự cố người công nhân thường phải lội bộ qua các điểm nước chảy xiết với nhiều công cụ và dụng cụ kèm theo như thang vác, túi đồ nghề… băng qua các ngọn đồi, sườn dốc bùn đất. Nhiều khi sự cố về chiều, để kịp thời cấp điện trở lại cho khách hàng các anh vẫn phải tức tốc lên đường, có khi qua nửa đêm hoặc trời gần sáng, các anh mới hoàn thành công việc và rời khỏi hiện trường để trở về đơn vị.
.jpg)
.jpg)
Gian nan xử lý sự cố do lũ quét gây sạt lở móng cột
Chia sẻ về những khó khăn trong công tác quản lý, vận hành đường dây, anh Nguyễn Văn Tiến, công nhân Đội sản xuất Điện lực A Lưới cho biết: “Do đường dây trung thế 35kV Hương Nguyên – Bốt Đỏ trải dài qua rất nhiều đèo cao, dốc đứng và rừng phòng hộ, lại là đường dây huyết mạch cấp điện chính cho toàn huyện nên việc quản lý, vận hành lưới điện có những đặc thù riêng và đóng vai trò hết sức quan trọng. Để đến được các vị trí công tác, các công nhân của Đội phải di chuyển mất hơn 02 tiếng đồng hồ xuyên rừng, vượt qua đèo dốc mới vào đến hiện trường. Đấy là những hôm thời tiết thuận lợi và anh em chỉ mang theo trang thiết bị gọn nhẹ, còn những ngày trời mưa bão, hoặc xử lý sự cố tại các vị trí cột cao, hiểm trở anh em còn phải mất nhiều thời gian và công sức hơn nữa mới có thể hoàn thành được công việc”.
.jpg)
.jpg)
Vượt khó khăn để xử lý sự cố trên đèo cao
Trước những điều kiện khắc nghiệt như thế, thách thức đặt ra cho người công nhân Điện lực A Lưới nói chung và các đơn vị Điện lực vùng miền núi nói chung là rất lớn. Để thực hiện tốt công tác này, ngoài sự nhạy bén, thuần thục trong nhận định, thao tác, người công nhân cần làm quen với những cung đường và địa hình hiểm trở để chủ động trong việc di chuyển. Điều quan trọng nhất là phải đảm bảo tuyệt đối an toàn trong khi làm việc, quyết tâm vì mục tiêu nâng cao công tác quản lý, vận hành lưới điện, nỗ lực cung cấp điện an toàn, liên tục, thông suốt đến người dân.