Cập nhật ngày 05/05/2022,08:01:35

Những điểm mới của nghị định 122/2021/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đấu thầu

Ngày 28/12/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị định 122/2021/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư, thay thế Nghị định 50/2016/NĐ-CP ngày 01/6/2016. Trong đó Nghị định đã dành riêng 07 Điều (từ Điều 32 đến Điều 38) quy định cụ thể về vi phạm hành chính, hình thức xử phạt, mức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả trong lĩnh vực đấu thầu. Nghị định 122/2021/NĐ-CP đã điều chỉnh và bổ sung một số nội dung mới so với Nghị định 50/2016/NĐ-CP, cụ thể:

  05052022 (1).PNG

Ảnh minh họa


1. Thêm quy định về mức phạt tiền, thời hiệu và thời điểm xác định thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đấu thầu
- Mức phạt tiền
Mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực đấu thầu được quy định tại Điều 4 là 300.000.000 đồng.
Khoản 2 Điều 4 Nghị định cũng nêu rõ:  Mức phạt tiền quy định tại Nghị định này là mức phạt áp dụng đối với tổ chức (trừ mức phạt quy định tại điểm c khoản 2 Điều 28; điểm a và điểm b khoản 2 Điều 38; Điều 62 và Điều 63 Nghị định này là mức phạt áp dụng đối với cá nhân). Đối với cùng một hành vi vi phạm hành chính thì mức phạt tiền đối với cá nhân bằng 1/2 (một phần hai) mức phạt tiền đối với tổ chức.
- Thời hiệu và thời điểm xác định thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính
Theo quy định tại Điều 5 thì thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đấu thầu là 01 năm.
Đối với hành vi vi phạm đang thực hiện thì thời hiệu được tính từ thời điểm phát hiện hành vi vi phạm. Trường hợp hành vi vi phạm đã kết thúc thì thời hiệu được tính từ thời điểm chấm dứt hành vi vi phạm.

Đối với hành vi vi phạm đã kết thúc thì thời hiệu được tính từ thời điểm chấm dứt hành vi vi phạm.


2. Bổ sung 01 điều khoản mới về vi phạm các điều cấm trong đấu thầu

Nghị định 122/2021/NĐ-CP đã bổ sung thêm 1 điều mới (Điều 37) với mức phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau mà không phải là tội phạm theo quy định tại Điều 222 Bộ luật Hình sự:
- Can thiệp trái pháp luật vào hoạt động đấu thầu.
-  Thông thầu.
- Gian lận trong đấu thầu.
- Cản trở hoạt động đấu thầu.
- Vi phạm quy định của pháp luật về bảo đảm công bằng, minh bạch trong hoạt động đấu thầu.
- Tổ chức lựa chọn nhà thầu khi nguồn vốn cho gói thầu chưa được xác định dẫn đến nợ đọng vốn của nhà thầu.
- Chuyển nhượng thầu trái phép.

Theo quy định này thì hành vi vi phạm các điều cấm trong đấu thầu sẽ bị phạt tiền với mức phạt tiền lên đến 300.000.000 đồng, đây là mức phạt cao nhất trong các vi phạm hành chính thuộc lĩnh vực đấu thầu.


    3. Tăng mức phạt tiền đối với các vi phạm

Nghị định 122/2021/NĐ-CP đã tăng mức tiền phạt đối với các vi phạm trong lĩnh vực đấu thầu với mức phạt tối thiểu là 15.000.000 đồng và mức phạt tiền tối đa 300.000.000 đồng. Cụ thể:

05052022 (2).PNG

4. Nêu cụ thể các vi phạm của cá nhân tham gia hoạt động đấu thầu


Theo quy định tại Điều 38 Nghị định 122, cá  nhân tham gia hoạt động đấu thầu sẽ bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

- Cá nhân tham gia hoạt động đấu thầu nhưng không có chứng chỉ đào tạo về đấu thầu, chứng chỉ hành nghề hoạt động đấu thầu theo quy định của pháp luật về đấu thầu.

- Cá nhân tham gia Tổ chuyên gia hoặc tổ chức thẩm định các nội dung trong đấu thầu nhưng không có bản cam kết theo quy định của pháp luật về đấu thầu.
Vi phạm hành chính trong lĩnh vực đấu thầu được Nghị định 122/2021/NĐ-CP quy định rõ ràng, cụ thể, dễ áp dụng trong thực tiễn, đảm bảo tính thống nhất, thông suốt trong quá trình thực hiện. Nghị định có có hiệu lực từ ngày 01/01/2022.

                                                         

Châu Uyên
Các tin khác:
Chọn ngày