Cập nhật ngày 30/01/2019,13:29:18

Đầu xuân Kỷ Hợi: Gặp lại người công nhân Nhà Đèn Huế năm xưa

Bác Lê Văn Châu sinh năm 1927 là thế hệ công nhân “Nhà Đèn Huế” trong giai đoạn 1944 – 1946, bác là nhân chứng sống về một giai đoạn hào hùng của dân tộc trong Cuộc Cách mạng tháng Tám giành chính quyền về tay nhân dân và bảo vệ nhà máy trong những năm đầu khó khăn của cách mạng.
Lần tìm lại hồi ức ở tuổi 93 bác rất minh mẫn kế lại: Bác từng là thế hệ công nhân được đào tạo tại trường Kỹ nghệ Huế, năm 1944 bác được vào làm công nhân cân chỉnh công tơ (đo lường) của Nhà Đèn Huế thuộc Công ty S.P.I.A do tư bản Pháp quản lý. Lúc đó do Ma-ne là Gestionnaire de route (sếp quản lý đường dây) và Dương Công Lương người công giáo làm phiên dịch cho ông “Tây Nhà Đèn” là Jê-Ja làm Giám đốc. Ông này, cho công nhân xây dựng tòa nhà đồ sộ trên đồi Phú Cam để ở mà dân Huế thường gọi là lầu Đuya-ra, nay là trường Đại học Phú Xuân.

30012019 (11).png 
Bác Lê Văn Châu kể chuyện giai đoạn làm công nhân Nhà Đèn Huế

Vị trí công việc của bác lúc đó được xem như lớp “công nhân quý tộc” vì trực tiếp kiểm tra, cân chỉnh công tơ một vị trí rất quan trọng trong dây chuyền mua bán điện lúc bấy giờ. Tuy thu nhập lúc đó không cao nhưng theo bác cũng đủ trang trải cho bản thân và nuôi thêm người em đang đi học. Các lớp công nhân Nhà Đèn Huế không ai không căm ghét các tên cai như: Trịnh Ngọc Đồng, Dương Công Lương, những tên quản lý này bóc lột công nhân hết sức gian ác, đồng thời là những tên tay chân mật thám, theo dõi đàn áp công nhân. Không biết bao nhiêu sự việc đánh đập, đuổi việc, phạt cúp lương, bớt tiền thưởng… của công nhân mà hai tên cai này đã gây ra.

30012019 (12).png 
Công ty Điện lưc Thừa Thiên Huế tặng quà chúc Tết bác Lê Văn Châu

Theo quy định của chủ Nhà Đèn Huế hàng ngày 7 giờ 30 phút làm việc, nhưng bọn cai đã thổi còi 7 giờ 20 phút. Anh em đi làm sớm chúng được hưởng mỗi người 5 phút x 100 người/ngày chúng có 500 phút, chúng hưởng được một ngày công của một công nhân bậc cao. Đúng 7 giờ 20 phút công nhân vào cổng, chúng rút thẻ công nhân bỏ qua bên đi làm, ai đi chậm dù chỉ một phút số thẻ vẫn để nguyên bên kia mà không chấm công và không được hưởng ngày lương, nhưng vẫn phải vào làm việc. Tên Đồng không thích ai, thì nó nói với Ma-ne cúp lương cả tháng hoặc 20 ngày. Tên gác cổng gian ác là Xê-bôn (người Inđônêsia) và sau này con hắn nối nghiệp là Ca-lang. Sau khi cha con tên Chà-vá (công nhân thường gọi như vậy) về nước thì những tên lính Việt đi đánh thuê cho Pháp bị cụt chân, tay trở về thay thế cũng không kém phần gian ác. Những tên Chà Vá cũng như những tên người Việt gác cổng đều lục soát nam lẫn nữ công nhân làm cho anh chị em hết sức bất bình, oán hận bọn này. Có những công nhân vì quá uất ức đã chỉ thẳng vào mặt tên gác cổng thét lớn: “Hãy coi chừng”. Những người thợ lâu năm không dọa nạt công nhân theo ý chúng, không chịu làm “lính bữa mai cai lính bữa hôm” cũng bị chúng phạt không tăng lương. Như bác Cao Thoại chỉ được chúng tăng lương một ngày một hào, trong khi đó công nhân khác chúng tăng từ một đến hai đồng/ngày. Công nhân còn thay nhau mỗi ngày gần 10 người đến phục dịch quét nhà, dọn vườn, phục vụ vợ tên Jê-Ja và các tên phân xưởng trưởng người Pháp. Thân phận người công nhân dưới chế độ thực dân Pháp thống trị vẫn là thân phận nô lệ. Họ thoát cảnh nô lệ bọn địa chủ, cường hào lại tiếp tục làm nô lệ cho bọn tư bản Pháp và bọn cai “sếp” trong nhà máy. Song công nhân ngành điện nói chung và công nhân điện Huế nói riêng là công nhân kỹ thuật, là cốt lõi của giai cấp công nhân Việt Nam. Công nhân kỹ thuật có những kiến thức nhất định về văn hóa và nghề nghiệp, làm việc trực tiếp với máy móc và lối sống làm ăn của nền công nghiệp hiện đại nên giác ngộ giai cấp sâu sắc và có nhiều khả năng tổ chức khi họ đã giác ngộ. Từ đấu tranh tự phát để giành quyền lợi họ thấy sự cần thiết tập hợp lực lượng để đấu tranh mới giải phóng được mình. Giữa lúc đó có một số công nhân đã đi tìm con đường đấu tranh có tổ chức. Năm 1944, lợi dụng Nhật vào, bọn Pháp bối rối công nhân Nhà Đèn Huế tiếp tục đấu tranh phát triển với hình thức cao, đình công, đòi tăng lương. Được sự vận động với cơ sở người này truyền cho người kia, tất cả công nhân đều ký vào lá đơn đòi tăng lương. Sau gần một năm đấu tranh chúng có tăng lương cho cai “sếp” và một số công nhân bậc đàn anh. Còn đa số công nhân còn lại không được tăng lương mà những ngày nghỉ, ốm đau đều không có lương, quần áo bảo hộ lao động cũng phải tự mua lấy. Anh em công nhân bàn với nhau lãn công, nhất là lúc đi mắc điện ở khu nhà cầu Trường Tiền. Khi làm việc Ma-ne lúc bấy giờ thường đi kiểm tra mỗi ngày hai lần. Công nhân bố trí người gác, hễ thấy Ma-ne tới thì làm cho có lệ, khi Ma-ne đi chỗ khác thì công nhân ngồi nghỉ. Cai Quang nhận hợp đồng làm với nhiều nơi, lẽ ra các hợp đồng đó phải do Công ty S.I.P.E.A nhận, nhưng cai Quang tự nhận và giao lại cho công nhân làm ngoài giờ, hoặc cắt xén giờ đi làm nhà máy để làm ngoài. Mỗi công nhân cũng kiếm được vài chục đồng làm cho đời sống khá hơn chút ít. Cai Quang nhận phần của mình 50 đồng. Đầu năm 1945 công nhân Nhà Đèn Huế đã tham gia phá kho thóc của phát xít Nhật để chia cho dân nghèo. Thời gian này do sức mạnh đấu tranh của công nhân và ảnh hưởng của Việt Minh trong cả nước phong trào đấu tranh kháng Nhật cứu nước tại Nhà Đèn Huế diễn ra sôi nổi, mạnh mẽ đã làm cho bọn chủ, cai “sếp” nới lỏng sự kìm kẹp công nhân. Công nhân điện đã tham gia phong trào kháng Nhật cứu nước sôi nổi ở thành phố Huế. Ngày 09/3/1945 vào lúc 21 giờ, phát xít Nhật tới nhà máy để cắt điện và tuyên bố chiếm Nhà Đèn Huế. Cả thành phố mất điện. Quân Nhật nổ súng vào đồn Mang Cá, trại Cuốc-xy, đồn Khố xanh, Tòa Khâm sứ, sân bay Phú bài. Lực lượng Pháp ở đồn Cuốc-xy có tên Sáu Tuyến canh trực chỉ huy khá đông quân lính nhưng do tinh thần bạc nhược nên cầm cự một cách yếu ớt và đầu hàng nay khi quân Nhật vừa nổ súng. Sáng 10/3/1945 quân Nhật làm chủ hoàn toàn thành phố Huế. Nhà Đèn Huế cũng do Nhật kiểm soát. Nhật nói với công nhân: “Ai ở đâu thì cứ ở đó, Nhật đánh Pháp chứ không đánh Việt Nam”. Nhật bắt chánh, phó giám đốc, chỉ để lại Ma-ne ở lại nhà máy. Từ tháng 5 đến tháng 7/1945 phong trào cách mạng ở Huế phát triển sôi nổi, sau các hội nghị Đảng bàn kế hoạch khởi nghĩa, thành lập ủy ban dân tộc giải phóng và tổ chức Việt Minh. Cơ sở Việt Minh và cứu quốc phát triển mạnh trong các trường học, nhà máy, chợ, trại lính, trong nhân dân lao động ở các phường. Anh chị em công nhân Nhà Đèn Huế đã bãi công để tham gia luyện tập quân sự, học tập chính trị, rèn giáo mác…chuẩn bị khởi nghĩa. Trước khí thế quần chúng và sức mạnh của phong trào Việt Minh, phát xít Nhật và bọn bù nhìn bó tay không đối phó nổi nữa. Ở nhà máy bọn cai “sếp” hoàn toàn bất lực và lo sợ công nhân trừng trị. Sau khi phát xít Nhật đầu hàng quân đồng minh, sáu vạn quân Nhật ở Đông Dương phải thu hẹp phạm vi chiếm đóng, co cụm và tập kết vào các thành phố lớn. Giai cấp công nhân và nhân dân thành thị có giành được chính quyền ở thành phố thì cách mạng mới giành được quyền làm chủ ở những nơi mà lực lượng vũ trang của địch thường mạnh nhất. Đây cũng là sào huyệt cuối cùng kiên cố nhất của bọn cướp nước và bọn bán nước. Ở thành phố Huế, ngày 17/8/1945 lệnh khởi nghĩa ban ra, cả tỉnh với gươm mác, gậy gộc xông tới, quyết tâm đánh đổ chế độ thực dân, phong kiến, thành lập chính quyền nhân dân cách mạng. Trong những ngày 21/8 và 22/8 tiếp theo các huyện khởi nghĩa, đội tự vệ công nhân Nhà Đèn Huế với vũ khí thô sơ, băng cờ, biểu ngữ đã cùng với các tầng lớp nhân dân Huế biểu tình thị uy khắp các ngả đường qua các công sở, các đồn trại lính bảo an, các đồn Nhật. Bọn địch không có một sự chống cự nào. Tự vệ nhà máy đã cùng tự vệ công nhân các xí nghiệp khác mang súng trường đến canh gác cầu Tràng tiền. Trên nóc nhà thông tin, lá cờ đỏ sao vàng tung bay phấp phới báo hiệu cuộc đời mới đang mở ra trước giai cấp công nhân và dân tộc. Những người công nhân điện là những người làm ra ánh sáng, nhưng dưới chế độ thực dân, phong kiến họ vẫn sống cuộc sống cơ cực, đen tối. Cách mạng là ngày hội của quần chúng, trước hết là ngày hội của giai cấp công nhân, những người mà cách mạng đã tháo gỡ cho họ xiềng xích nô lệ và họ được cả thế giới công bằng, bình đẳng trong độc lập, tự do. Càng thiết tha với cách mạng bao nhiêu họ càng căm ghét bọn thực dân bấy nhiêu, nhất là những tên chủ Pháp đã trói buộc họ, bóc lột họ tận xương tủy. Vì thế, Ma-ne tên Pháp còn lại ở nhà máy điện sau ngày Nhật đảo chính, đã bị tự vệ công nhân bắt lên An Lăng nói vắn tắt tội trạng của hắn mấy chục năm đối với công nhân Nhà Đèn Huế và tuyên bố kết liễu cuộc đời thực dân áp bức, bóc lột của hắn. Công nhân cũng đã cầm giáo mác, lưỡi lê kéo đến nhà máy tước vũ khí bọn Nhật. Bọn chúng phải giao một số súng, có cả những khẩu súng thiếu quy lát. Ngày 23/8/1945 lúc 16h công nhân điện đã tham gia cuộc mít tinh lớn của nhân dân Huế tại sân vận động thành phố do đồng chí Tố Hữu, Chủ tịch uỷ ban khởi nghĩa Thừa Thiên tuyên bố xoá bỏ chính quyền bù nhìn và giới thiệu UBND lâm thời tỉnh Thừa Thiên. Chiều ngày 29/8 công nhân nhà máy đèn cũng đã tham dự cuộc mít tinh lớn tại sân vận động Huế để chào mừng phái đoàn chính phủ lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hoà vào Huế tiếp nhận sự thoái vị của Bảo Đại. Chiều ngày 30/8/1945 tại Ngọ Môn, Bảo Đại đọc chiếu thoái vị. Công nhân Nhà Đèn Huế nói riêng và nhân dân trong tỉnh nói chung được sống tươi vui trong chế độ mới, chế độ mà người công nhân được làm chủ nhà máy, chủ đất nước, là chiến sĩ trong đội ngũ giai cấp tiên tiến nhất của xã hội mới. Ngày 02/9/1945, với bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, những người nô lệ trong Nhà Đèn Huế nói riêng đã trở thành những công dân của một nước tự do và độc lập, thực sự làm chủ nhà máy, tư liệu sản xuất để phục vụ chế độ mới, phục vụ nhân dân lao động. Công nhân Nhà Đèn Huế với tinh thần là người chủ nhà máy đã ra sức bảo vệ, sửa chữa máy móc đảm bảo nguồn sáng thường xuyên cho các cơ quan và nhân dân thành phố. Mặc dù Pháp rút đi nhiều bộ phận kỹ thuật, công nhân chưa sành sỏi, song với tinh thần dám nghĩ, dám làm, với trí tuệ tập thể, học hỏi lẫn nhau, các khâu kỹ thuật vẫn đảm bảo, tiến hành sản xuất đều đặn trong điều kiện nhiên liệu, nguyên liệu khó khăn. Đầu năm 1946 công nhân Nhà Đèn Huế đã lên chặt củi thước ở La Sơn về đốt làm than rồi cho xe chở về thay than đá chạy máy tàu hỏa xa và Nhà Đèn Huế. Đội tự vệ của nhà máy được thành lập, thay phiên nhau canh gác và luyện tập tự vệ, trên mũ mang huy hiệu vuông có sao 5 cánh không những bảo vệ nhà máy, tự vệ công nhân còn làm nhiệm vụ bảo vệ thành phố. Nhà Đèn Huế lúc này do ông Tạ Quang Bửu làm quản đốc và có một lực lượng đảng viên như ông Sáu Đen, ông Thanh, ông Thược… Số đảng viên trong nhà máy được dự lớp học chính trị do đồng chí Nguyễn Chí Thanh và Hải Triều huấn luyện cho đảng viên công nhân tại trường Kỹ nghệ. Công nhân nhiệt liệt hoan nghênh những biện pháp nhằm cải thiện đời sống của nhân dân của Đảng và Chính phủ, trong đó quy định luật ngày làm việc 8 giờ, bảo vệ quyền lợi công nhân trong quan hệ chủ và thợ. Công nhân cũng đẩy mạnh sản xuất, trồng rau màu ngắn ngày và thực hiện “Đồng tâm”, “Hũ gạo tiết kiệm”để giúp những người thiếu đói. Trong không khí tưng bừng phấn khởi của cuộc đổi đời thì thực dân Pháp lại gây hấn ở Nam bộ ngày 23/9/1945. Hàng ngày công nhân điện theo dõi tin tức ở các loa phát thanh, lòng hướng về miền Nam thân yêu. Một số công nhân điện lên đường Nam tiến, Nhà Đèn Huế lúc đó có anh Thanh, anh Thược… Một số thanh niên khác tham gia giải phóng quân lên chiến đấu miền Tây Quảng Trị, đánh chặn quân Pháp từ Lào tràn về, một số gia nhập chi đội Trần Cao Vân, Thiện Thuật, Lê Trực của ba tỉnh. Ngày 06/01/1946 công nhân Nhà Đèn Huế đảm bảo ánh sáng cho các cơ quan lãnh đạo, các điểm bỏ phiếu, trang trí trụ sở chính quyền tỉnh, thành phố tạo nên bộ mặt mới trong lịch sử trọng đại của dân tộc. Những cử tri là công nhân điện hơn ai hết họ đi bỏ phiếu thật sớm, lựa chọn những đại biểu tiêu biểu cho giai cấp công nhân lao động và đồng bào trong tỉnh. Công nhân còn theo dõi, phát hiện, giáo dục cải tạo những tên địch cài lại trong nhà máy và trong các phường nhằm bảo vệ chính quyền, bảo vệ an ninh chính trị, an toàn trật tự xã hội. Ngày 06/3/1946 Chính phủ ta phải ký hiệp định sơ bộ với Chính phủ Pháp. Thời gian này công nhân ta không vì hận thù giai cấp, dân tộc mà nóng vội trong việc xử trí với quân Pháp ở Huế và quân Tàu Tưởng dưới danh nghĩa đồng minh có nhiều thái độ, hành động ngang ngược đối với nhân dân ta. Trái lại công nhân đã biết đối xử khôn khéo với chúng nhất là chúng có những yêu sách, về điện cho sinh hoạt và cho công việc kỹ thuật quân sự. Thực dân Pháp đã bị nhân dân ta đuổi khỏi nước Việt Nam, xong chúng vẫn đeo đuổi dã tâm muốn xâm lược nước ta một lần nữa. Từ việc gây hấn ở miền Nam chúng đánh ra miền Bắc hòng đặt ách thống trị lên dân tộc Việt Nam vừa mới giành được độc lập. Kẻ thù khi trở lại xâm lược nước ta đã nhằm vào các thành phố là nơi đầu não của chính quyền cách mạng, đồng thời là nơi chúng đã cài đặt bọn tay chân làm nội ứng cho chúng. Vì vậy, giai cấp công nhân nói chung và công nhân Nhà Đèn Huế nói riêng lại có trách nhiệm và vinh dự đi đầu trong cuộc chiến đấu mới. Ngày 19/12/1946, cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ. Với ý chí “Thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”. Công nhân ngành điện đã tham gia vào cuộc chiến đấu chống giặc, bảo vệ máy móc và tiến hành di chuyển ra vùng kháng chiến, lập công binh xưởng rèn, đúc vũ khí cung cấp cho bộ đội , dân quân đánh Pháp. Theo chủ trương của Tỉnh ủy Thừa Thiên là tiêu diệt lực lượng địch ở Huế khi có mệnh lệnh tác chiến. Tư tưởng chỉ đạo là tin chắc có thể tiêu diệt được địch đóng ở Huế trước lúc quân tiếp viện của chúng đến. Đêm Ngày 19/12/1946 tiếng súng kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược của nhân dân Huế bắt đầu. Kế hoạch đánh của ta lúc đầu là bố trí lực lượng bám lấy từng vị trí địch, bất ngờ dùng tinh thần quyết tử xung phong tập kích tiêu diệt địch. Mặt khác phá hủy cầu từ khu vực Pháp chạy ra ngoài. Nhà Đèn Huế nằm trong khu vực Pháp. Đội tự vệ Nhà Đèn Huế do đồng chí Lê Huệ (Pháp lai) chỉ huy đã phối hợp với các lực lượng giải phóng quân và tự vệ thành phố phá cầu Kho Rèn, tiến công địch ở trường Thiên Hữu, Đồng Khánh, Khải Định, Trường Kỹ nghệ. Đi đôi với những trận chiến đấu, tự vệ nhà máy và công nhân đã phối hợp đào hào, chặn những cây mù u ngăn đường, đắp ụ súng ngay trước nhà máy và dọc đường Lý Thường Kiệt, Nguyễn Huệ... Sau gần hai tháng chiến đấu, do tương quan lực lượng và tình hình cụ thể của thực dân Pháp lúc đó đang chiếm đóng ở Huế. Mặt trận bị vỡ, lực lượng của ta rút ra vùng kháng chiến. Một số công nhân điện lên đường theo các công binh xưởng kháng chiến. Một số công nhân phải phá máy móc không để cho thực dân Pháp sử dụng để bóc lột, đàn áp công nhân và nhân dân ta. Một số công nhân khác do hoàn cảnh cụ thể phải ở lại Huế nguyện giữ vững tấm lòng trong sạch của người thợ.  Khi Pháp quay trở lại chiếm thành phố Huế, chúng đã bắt giết đồng chí Lê Huệ (lai Pháp) là trung đội trưởng tự vệ nhà máy. Công nhân nhà máy điện còn ra chiến khu tham gia kháng chiến hoặc ở lại thành phố để góp phần mình vào cuộc đấu tranh giai cấp giải phóng dân tộc diễn ra quyết liệt, gay go, phức tạp nhất trên đất nước ta. Sau khi chiếm xong Huế, thực dân Pháp mở rộng chiếm đóng sang các tỉnh Quảng Trị, Quảng Bình… mà thời đó thường gọi “Vỡ mặt trận”. Chúng tiến hành phục hồi lại các nhà máy điện, trong đó có Nhà Đèn Huế để phục vụ cho chế độ thực dân và chính quyền bảo hộ. Chủ Pháp trở lại nhà máy, chúng tuyển công nhân mới và một số ít công nhân thời kỳ trước còn lại. Có thể nói bác Châu và lớp công nhân điện đã hăng hái, nhiệt tình trong xây dựng và bảo vệ chính quyền cách mạng những năm 1945-1946, tham gia công cuộc xây dựng công binh xưởng và di chuyển máy móc lên các vùng chiến khu và trở thành người chiến sĩ cách mạng chiếu đấu giành độc lập, tự do cho dân tộc.

                                                                                        

Hùng Sơn
Các tin khác:
Chọn ngày