Cập nhật ngày 24/12/2018,21:09:14

Một bậc lão thành gắn liền với quá khứ hào hùng của Nhà đèn Huế

Nhân kỷ niệm 74 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944-22/12/2018) và 64 năm ngày thành lập ngành Điện (21/12/1954-21/12/2018) lãnh đạo Công ty Điện lực Thừa Thiên Huế đã đến thăm và chúc mừng Trung tướng Hoàng Ngọc Diêu, vị tướng già, nguyên đội trưởng đội cảm tử quân, người tham gia chiến đấu bảo vệ Nhà đèn Huế trong những năm 1946.

 
Đoàn chúng tôi vinh dự khi được tiếp xúc với vị tướng già đó là Trung tướng Hoàng Ngọc Diêu sinh ra tại làng Hiền Lương, xã Phong Hiền, huyện Phong Điền. Năm nay ông đã bước sang tuổi 95 vượt xa tuổi mà người xưa thường nói “Thất thập cổ lai hy”. Ở cái tuổi ấy mà ông còn quá minh mẫn, trong hồi ức về quá khứ nhất là khi kể về những sự kiện của 72 năm về trước, ông không quên một chi tiết nào...

  24122018 (21).png
Đồng chí Hà Thanh Long Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công ty Điện lực Thừa Thiên Huế
tặng hoa chúc mừng Trung tướng Hoàng Ngọc Diêu nhân kỷ niệm 74 năm thành lập QĐNDVN


Khó có thể kể hết những chức vụ mà ông trải qua khi tham gia cách mạng từ tháng 6/1945. Đến tháng 4/1946, ông là đội trưởng đội cảm tử quân Nhà đèn Huế thuộc Trung đoàn Trần Cao Vân. Trong căn phòng nhỏ với những kỷ vật thời chiến được xếp ngăn nắp nơi góc tủ, ông kể: Nhà đèn Huế trong thời kỳ Pháp thuộc là một Xí nghiệp tư nhân của người Pháp, bảo đảm ánh sáng và cung cấp nước sạch cho thành phố Huế. Sau Cánh mạng Tháng Tám năm 1945, chính quyền về tay nhân dân, nhưng Nhà đèn Huế vẫn do tư nhân tư bản Pháp quản lý. Nơi đây, là cơ sở có truyền thống cách mạng, giai cấp công nhân tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng cộng sản. Năm 1946 chi bộ Đảng do đồng chí Lâm học sinh Trường Kỹ nghệ Huế và là công nhân ở Nhà đèn Huế làm bí thư chi bộ, đồng chí Huệ (người lai Pháp) làm chi ủy viên phụ trách đội trưởng đội tự vệ Nhà đèn. Đội tự vệ Nhà đèn được thành lập trước Cánh mạng Tháng Tám, tham gia cướp chính quyền và bảo vệ nhà máy bảo đảm điện cho thành phố Huế.

Sau khi Bác Hồ ký tạm ước ngày 14/9/1946 tại Hội nghị Fontainebleau ở Pháp. Bác và Ban chấp hành Trung ương Đảng nhận định, Pháp sẽ không thi hành theo đúng tạm ước nên ta phải chuẩn bị tinh thần cho cuộc kháng chiến. Trước khi đánh, chúng ép ta phải thi hành những điều khoản có lợi cho chúng. Trong đó, có điều khoản buộc ta phải trả lại các tài sản tư nhân Pháp. Ở Huế, Nhà đèn Huế là xí nghiệp tư nhân mà chúng muốn lấy lại. Do đó, Uỷ ban kháng chiến Trung bộ lúc đó do đồng chí Trần Hữu Dực làm Chủ tịch; đồng chí Nguyễn Duy Trinh làm Phó chủ tịch đã nhận định Pháp sẽ không thi hành tạm ước ngày 14/9/1946 những điều khoản nào có lợi cho chúng thì sẽ ép ta thi hành. Trong tạm ước ngày 14/9/1946 có một điều khoản là ta phải trả các tài sản tư nhân cho người Pháp như Nhà đèn Huế… Để đề phòng Pháp đưa quân đội chiếm Nhà đèn Huế buộc ta thi hành điều khoản tạm ước nhằm khống chế điện nước của thành phố Huế, gây khó khăn cho ta. Vì vậy, chủ trương của Ủy ban kháng chiến Trung bộ mà đồng chí Nguyễn Duy Trinh làm Phó Chủ tịch đã trực tiếp chỉ thị và giao nhiệm vụ cho trung đoàn Trần Cao Vân tổ chức đội cảm tử gồm 45 đồng chí (có một tổ công binh 05 người), do ông Hoàng Ngọc Diêu làm đội trưởng. Đội cảm tử sẽ thực hiện hai nhiệm vụ: Khi chưa xảy ra đánh nhau sẽ cùng công nhân đấu tranh bảo vệ Nhà đèn Huế, không cho địch chiếm với khẩu hiệu: “Pháp chiếm Nhà đèn công nhân sẽ phá Nhà đèn”. Đội cảm tử phải đứng ở vị trí hàng đầu có thể bị Pháp bắn chết nhưng sẽ kéo dài thời gian để quân tiếp phòng của ta đến hỗ trợ. Nhiệm vụ thứ hai khi xảy ra đánh nhau, đội cảm tử cùng với đội tự vệ phối hợp đánh không cho địch chiếm Nhà đèn. Khi có lệnh phải phá hết máy móc của nhà máy để địch không có điện, không có nước tạo điều kiện cho ta dễ bề hoạt động.


 24122018 (22).png
Trung Tướng Hoàng Ngọc Diêu kể về trận đánh bảo vệ Nhà đèn Huế năm 1946

 

Sau đó, đội cảm tử cải trang thành công nhân Nhà đèn Huế và dân lao động chân tay, lúc bấy giờ thường gọi là Coolie (Culi) làm công việc đãi than cho Nhà đèn Huế chạy máy. Công tác bảo vệ, giữ bí mật đưa vũ khí và cải trang thành công nhân đưa quân vào Nhà đèn để địch không biết là vấn đề rất khó khăn, phức tạp nếu không có chi bộ Đảng mạnh, không có cơ sở quần chúng tốt như công nhân Nhà đèn Huế lúc bấy giờ thì không thể thực hiện được. Giám đốc Nhà đèn Huế lúc đó là người Tây nhưng ở Sài Gòn định kỳ mới ra Huế, quản lý trực tiếp Nhà đèn giao cho một viên kỹ sư người Việt Nam, ông này người Thừa Thiên học ở Pháp về nhưng rất có tình cảm với Việt Minh, đa số công nhân và nhân viên Nhà đèn Huế là cán bộ hoặc tham gia các đoàn thể cách mạng, chỉ có số ít kẻ xấu và một vài tên mật thám cũ bị công nhân của ta khống chế, buộc phải thôi việc. Chi bộ Đảng của ta lãnh đạo rất sâu sát dựa vào công nhân cốt cán và đội tự vệ, đội cảm tử quân do ông làm đội trưởng có quan hệ chặt chẽ với đồng chí Huệ chi ủy viên phụ trách đội trưởng tự vệ Nhà đèn Huế.


24122018 (23).png
Trung tướng Hoàng Ngọc Diêu dâng hương trước Bia tưởng niệm
các liệt sĩ Nhà đèn Huế hy sinh năm 1946


Kế hoạch triển khai đưa đội cảm tử vào Nhà đèn: Đầu tháng 10/1946 đội cảm tử chuyển vũ khí vào Nhà đèn do đội tự vệ Nhà đèn phụ trách, ban đêm thuyền chở đến cầu Kho Rèn, tự vệ Nhà đèn vận chuyển cất dấu ở dưới tầng hầm Nhà đèn và tự vệ thay nhau bí mật canh gác. Đến ngày 15/10/1946 bộ đội của ta cải trang thành công nhân vào làm việc và sau đó ở lại trong Nhà đèn cả ngày lẫn đêm (anh em ở dưới bếp ăn công nhân). Tất cả mọi công việc đều do bí thư chi bộ là đồng chí Lâm và đồng chí Huệ chi ủy viên phụ trách, ông trực tiếp làm việc với hai đồng chí này. Mọi công việc đều diễn ra bí mật, thỉnh thoảng có tên quan ba Pháp đến làm việc với giám đốc Nhà đèn nhưng không có dấu hiệu nào cho thấy đội cảm tử của ta bị lộ. Ông còn nhớ kỹ cuộc họp giữa chi bộ Nhà đèn và đội cảm tử để bàn kế hoạch bảo vệ nhà máy, nhằm tổ chức thực hiện hai nhiệm vụ mà đồng chí Nguyễn Duy Trinh Phó chủ tịch Ủy ban kháng chiến Trung bộ giao cho đội cảm tử. Cuộc họp do đồng chí Lâm bí thư chi bộ chủ trì, tất cả đều nhất trí kế hoạch của đội cảm tử đề ra. Một vấn đề bàn cãi nhiều nhất là cách phá các tổ máy (Nhà đèn có 05 máy gazozen chạy bằng than đá và 01 máy diezen chạy bằng dầu) có đồng chí ủy viên đặt vấn đề chỉ phá máy diezen thì 05 máy chạy than đều không thể khởi động được, thậm chí có đồng chí nói chỉ cần tháo heo dầu của máy diezen là Nhà đèn tắt vì đặt bom phá các tổ máy rất phức tạp, khi cần khôi phục lại khó khăn. Đồng chí Lâm hỏi ý kiến của ông và ông đã quyết định nên đánh bom, mỗi tổ máy một quả, bom nổ sẽ phá trụi hết, vì nếu chỉ phá máy diezen thì sau một thời gian ngắn địch sẽ thay máy khác, đồng chí Lâm đồng ý phương án của ông đưa ra là đặt bom để phá.

Diễn biến cuộc chiến đấu bảo vệ và phá Nhà đèn: Tình hình trong tháng 10/1946 rất căng thẳng, Đảng bộ, chính quyền, lực lượng vũ trang thành phố Huế gấp rút chuẩn bị kháng chiến đánh thực dân Pháp bảo vệ độc lập của Tổ quốc. Trong hai ngày 18/12 đến 19/12/1946 đã ba lần Pháp gửi tối hậu thư cho chính phủ của ta đòi tước vũ khí các lực lượng vũ trang. Để bảo vệ nền độc lập tự do của đất nước, Trung ương Đảng, chính phủ quyết định phát động toàn quốc kháng chiến.

Đêm ngày 19/12/1946 lực lượng vũ trang, bộ đội, dân quân tự vệ Huế đã sẵn sàng chiến đấu, tất cả đều thao thức chờ lệnh. Đúng 2 giời 30 ngày 20/12/1946 đội cảm tử quân nhận lệnh của Ủy ban kháng chiến Trung bộ cho phá Nhà đèn, tiếng bom nổ tại Nhà đèn cả thành phố chìm trong bóng tối, tiếng súng của quân ta đã nổ đồng loạt tiến công vào quân Pháp. Tuy Huế nhận lệnh từ Hà Nội có chậm 30 phút nhưng nhờ sẵn sàng chiến đấu cao nên không bị động, trước 2 giờ 30 phút hai chiếc xe thiết giáp và lính Pháp đã xuất phát từ Providence (Giòng Chúa Cứu Thế) ra ngã tư đường Nguyễn Huệ- Lý Thường Kiệt, ta đã chặn địch ở đó không cho Pháp tiến đánh nhằm chiếm Nhà đèn. Lực lượng của ta có một tiểu đội cảm tử, một trung đội thuộc trung đoàn Trần Cao Vân do đồng chí Quý làm trung đội trưởng và một tổ công binh phối hợp cùng đánh. Khi hai xe thiết giáp của Pháp tiến đến gần ngã tư, công binh của ta cho nổ bom hai xe thiết giáp bị hỏng nặng, chúng thúc bộ binh tiến lên đánh chiếm Nhà đèn, tiểu đội cảm tử và trung đội đồng chí Quý đã chiến đấu quyết liệt chặn không cho địch tiến lên, ta hy sinh nhiều và quân địch cũng bị chết rất nhiều. Khi địch đánh đến mép tường Nhà đèn, trong Nhà đèn cảm tử quân và tự vệ đã đánh trả không cho chúng qua tường rào, trong đánh ra và bên ngoài lực lượng của ta đánh sau lưng địch, do phối hợp tốt “trong đánh ra, ngoài đánh vào” địch bị tổn thất nặng nề.

Đến 8 giờ 30 phút ngày 20/12/1946 địch không chiếm được Nhà đèn và biết Nhà đèn bị phá, chúng phải rút lui chỉ để lại một bộ phận hỏa lực khống chế cầu Kho Rèn, đội cảm tử quân đã hoàn thành nhiệm vụ cùng tự vệ Nhà đèn không cho địch chiếm Nhà đèn và khi có lệnh đã phá Nhà đèn gây khó khăn cho địch không có điện, nước, ban đêm thành phố Huế không có ánh sáng tạo điều kiện thuận lợi cho quân ta hoạt động.

Đúng 11 giờ ngày 20/12/1946 được lệnh rút về Cung An Định, đội cảm tử quân chỉ còn lại 15 đồng chí; 10 đồng chí biên chế trong tiểu đội cảm tử quân phối hợp với trung đội của đồng chí Quý đánh ngoài đường đều hy sinh hết và không có đồng chí nào trở về.

Trận tấn công đầu tiên ở Huế sau lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến của Bác Hồ, bộ đội, lực lượng cảm tử, tự vệ, công an, trinh sát và nhân dân thành phố Huế đã nêu cao tinh thần chiến đấu anh dũng, tiêu diệt hơn 100 tên địch, phá hủy một số vũ khí, phương tiện chiến tranh, đẩy quân địch vào thế bị động chống đỡ.

 24122018 (24).png
Lãnh đạo và các đoàn thể Công ty dâng hương trước mộ 15 liệt sĩ
cảm tử quân Nhà đèn Huế hy sinh năm 1946


Trước khi chia tay với vị Trung tướng già Hoàng Ngọc Diêu, ông rất mãn nguyện khi Công ty Điện lực Thừa Thiên Huế đã xây dựng và khánh thành Bia tưởng niệm ghi công các liệt sĩ hy sinh bảo vệ Nhà đèn Huế năm 1946. Nơi đó, những người chiến sĩ, đồng đội của ông năm xưa đã nằm xuống vì Tổ quốc thân yêu và ông vẫn tâm huyết căn dặn đơn vị phải nêu cao tinh thần đoàn kết, thống nhất giữa Ban giám đốc, Đảng ủy và quần chúng trong đơn vị, có như vậy mới tạo nên sức mạnh về tinh thần nhằm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị là sản xuất và kinh doanh điện trên địa bàn tỉnh nhà đáp ứng yêu cầu phát triển ngày càng cao trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước do Đảng khởi xướng.

                                                                                 

Hùng Sơn
Các tin khác:
Chọn ngày