Trải qua 65 năm cùng với sự phát triển kinh tế đất nước, ngành điện Việt Nam nói chung và Công ty Điện lực Thừa Thiên Huế nói riêng dưới sự lãnh đạo của tỉnh Đảng bộ, của ngành điện, sự hỗ trợ, đùm bọc của nhân dân trong tỉnh, cùng sự nỗ lực phấn đấu của nhiều thế hệ CBCNVC-LĐ ngành Điện của tỉnh đã hoàn thành tốt nhiệm vụ và có những bước trưởng thành vượt bậc đáng ghi nhận.
Công ty Điện lực Thừa Thiên Huế mà tiền thân là Nhà máy Đèn Huế được xây dựng vào những năm 1920 lúc thực dân Pháp đô hộ Việt Nam và chính thức đặt nền móng cho cuộc khai thác thuộc địa tại Việt Nam. Trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm lịch sử và biến cố của đất nước, Nhà máy Đèn Huế ra đời và tồn tại như một nhân chứng lịch sử của quá trình đấu tranh cách mạng, xây dựng và phát triển của thành phố Huế - một trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, du lịch của cả nước, được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới.
Công nhân nhà máy điện Huế bảo đảm vận hành ổn định sau giải phóng
Trước ngày giải phóng Huế, một nhóm 12 công nhân đã bám trụ kiên cường giữ nhà máy không để kẻ địch phá hoại trước khi rút chạy, bảo vệ an toàn cơ sở vật chất của ngành điện để bàn giao cho Ủy ban quân quản Thừa Thiên. Lúc tiếp nhận cơ sở vật chất, thiết bị máy móc của nhà máy điện Huế rất nhỏ bé chủ yếu là cụm máy phát diesel, cũ kỹ đã khai thác trên 20 năm với công suất huy động chưa tới 2,5MVA nhằm phục vụ chiếu sáng cho sinh hoạt của nhân dân thành phố và các cơ quan của chế độ cũ; hệ thống điện vừa nhỏ lại phân tán, chỉ có 52 trạm biến áp phân phối với tổng dung lượng 4.435kVA; 135 km đường dây, chủ yếu cấp điện áp 15kV, 3,15kV, 0,2 kV. Sau ngày tiếp quản nhà máy điện Huế, dưới sự lãnh đạo của chi bộ Đảng được thành lập, với 5 đảng viên và hơn 100 CBCNVC-LĐ với nhiệm vụ vừa tập trung khôi phục năng lực sản xuất ít ỏi hiện có, vừa nâng cấp mở rộng lưới phân phối ở những vùng trọng điểm; trước hết phục vụ các cơ sở công nghiệp, dịch vụ công cộng và các cơ quan trọng yếu của tỉnh và một phần nhu cầu ánh sáng của nhân dân trong thành phố. Từ năm 1978 trở đi, phụ tải công nghiệp, điện sinh hoạt đã tăng nhanh, với tốc độ hàng năm từ 20- 30%. Để đáp ứng nhu cầu đó, ngành Điện của tỉnh đã có nhiều cố gắng trong việc bảo dưỡng, sửa chữa nguồn điện hiện có và lắp đặt thêm nguồn điện nhằm phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội và đời sống nhân dân tỉnh nhà.
Khôi phục sản xuất nhà máy vôi Long Thọ năm 1977
Vào cuối những năm 1981 đầu 1982 là thời kỳ nguồn điện ở Huế gặp rất nhiều khó khăn, khi hầu hết các tổ máy phát điện cũ SIPEA của Pháp để lại bị hư hỏng, không có phụ tùng thay thế, ngày sửa chữa đêm chạy được vài giờ lại hỏng, hôm sau lại tiếp tục sửa chữa và cứ lặp đi lặp lại như vậy trong suốt năm 1982, cố gắng lắm cũng chỉ phát được 0,6MW. Với sự năng động, sáng tạo của lãnh đạo và sự nỗ lực của CBCNVC-LĐ ngành Điện của tỉnh trong một thời gian ngắn đã khôi phục được 4 tổ máy IDEAL ở trạm Tân Mỹ (một căn cứ quân sự của Mỹ) với công suất 1,2 MW; đồng thời đã đề nghị xin điều động 17 tổ máy G66 ở các Ngành điện của các tỉnh miền Bắc để tăng thêm nguồn (hầu hết các máy này đều đến thời kỳ đại tu), với tinh thần vừa thiết kế vừa thi công, chỉ trong 3 năm đã lắp đặt xong 17 tổ máy với tổng công suất 9MW, trong điều kiện máy cũ, thiếu phụ tùng, phụ kiện. Mặc dù đã bỏ rất nhiều công sức, trí tuệ nhưng hơn 10 năm dài phấn đấu gian khổ những người thợ điện vẫn chưa thoát ra khỏi tình trạng thiếu điện. Đến năm 1989 CBCNVC-LĐ ngành Điện của tỉnh một mặt vừa tiếp tục củng cố nguồn điện cũ, mặt khác trong thời gian 18 tháng đã hoàn thành công tác vận chuyển, xây dựng và lắp đặt nhà máy điện Ngự Bình gồm (5 tổ máy G72 và 2 tổ máy SKODA), tổng công suất 7,9MVA với các thiết bị khá hiện đại. Ngoài nguồn điện được bổ sung, lưới điện cũng từng bước được cải tạo từ cấp trung áp 3,15kV lên 6,3 kV; lưới hạ áp được nâng từ 0,2 kV lên 0,4kV. Đặc biệt tháng 9/1984 đã đưa đường dây 110kV Đồng Hới- Huế vào vận hành ở cấp điện áp 35kV đưa điện Quảng Bình (lúc bấy giờ đang thừa) tăng cường cho trung tâm thành phố Huế. Tuy nguồn lưới điện được bổ sung nhưng vẫn không theo kịp yêu cầu phát triển phụ tải. Việc cung cấp điện vẫn còn ở thế bị động, phải thực hiện lịch đóng, cắt điện luân phiên. Nhiều lúc không chủ động được nguồn nên không thực hiện được lịch đóng cắt đã định trước. Đây cũng là một trong những nguyên nhân làm chậm sự phát triển kinh tế-xã hội và ảnh hưởng đến sinh hoạt của nhân dân trong tỉnh. Từ sau năm 1990, kết thúc vai trò lịch sử của việc huy động nguồn phát điện tại chỗ, bước sang giai đoạn nhận điện lưới Quốc gia. Tháng 7/1990 đóng điện đường dây 220kV Vinh -Đồng Hới và 110kV Đồng Hới - Đà Nẵng đưa điện Hoà Bình vào cung cấp cho 4 tỉnh từ Quảng Bình đến Đà Nẵng. Trong giai đoạn này mặc dù nhận điện lưới Quốc gia nhưng chất lượng điện áp không đảm bảo, nhất là những tháng hè.Đến tháng 5/1994 hoàn thành đóng điện giai đoạn I đường dây 500kV công trình lịch sử của đất nước và đến tháng 9/1994 đóng điện trạm 500kV Đà Nẵng các tỉnh miền Trung nói chung và Thừa Thiên Huế nói riêng được nhận điện ổn định từ hệ thống điện Quốc gia qua trạm 500kV. Những năm 1998-2002 là giai đoạn nguồn và lưới điện tiếp tục được củng cố. Đặc biệt, ngành Điện của tỉnh đã tổ chức thực hiện cải tạo nâng cấp toàn bộ lưới điện thành phố Huế lên cấp điện áp 22kV với tổng số vốn đầu tư 217,2 tỷ đồng. Bằng các nguồn vốn ODA của chính phủ Pháp, vốn vay của Ngân hàng Thế giới (WB) và vốn đối ứng trong nước. Do vậy, đã cải tiến đáng kể tình hình cung cấp điện, góp phần quan trọng tạo vẻ mỹ quan đô thị, xứng đáng với tầm vóc thành phố nơi có nhiều công trình được công nhận di sản văn hoá thế giới; tốc độ tăng trưởng phụ tải toàn tỉnh luôn đạt từ 14-17%. Đầu tháng 11/1999 ngành Điện của tỉnh phải tập trung khắc phục hậu quả của trận Đại Hồng thủy gây thiệt hại nghiêm trọng đến người và tài sản của nhân dân trong tỉnh. Ngành Điện của tỉnh cũng chịu chung thiệt hại nặng nề đó, ước tính thiệt hại trên 30 tỷ đồng Việt Nam. Do cơn lũ đã mở thêm một cửa biển Hoà Duân đã gây thiệt hại nghiêm trọng 01 km đường dây 22kV và 01 km đường dây 6kV làm cho 11 xã vùng duyên hải bị mất điện. Trong bão lũ tình cảm của CBCNVC-LĐ ngành điện và cán bộ, chiến sĩ đơn vị Hải đội 2 càng được gắn bó chặt chẽ hơn trong việc hiệp đồng phối hợp thi công gần 01 km đường dây 22kV nối liền hai bờ đập Hòa Duân bị chia cắt sau cơn lũ lịch sử năm 1999 với giá trị xây lắp 2,2 tỷ đồng, giúp nhân dân của 11 xã vùng duyên hải của hai huyện Phú Vang và Phú Lộc kịp thời có điện để sản xuất, ổn định đời sống sinh hoạt và chào đón Thiên niên kỷ mới.
Nguồn và lưới điện được tăng cường, ngoài đường dây 110kV nhận điện từ trạm 500kV Đà Nẵng và trạm 220kV Đồng Hới, tháng 7/2002 đường dây 220kV Đà Nẵng-Huế bảo đảm cung cấp điện liên tục, ổn định phục vụ phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh. Liên tục các năm từ 2000-2002 ngành điện tập trung tiếp nhận lưới điện trung áp nông thôn và xóa bán điện qua công tơ tổng. Triển khai thực hiện Dự án năng lượng nông thôn (RE.I) vay vốn Ngân hàng Thế giới để tăng cường đầu tư lưới điện cho khu vực nông thôn miền núi, vùng sâu, vùng xa. Ngày 28/01/2003 bằng nỗ lực và sự cố gắng của ngành điện và địa phương xã Hồng Thủy, huyện A Lưới là xã cuối cùng của tỉnh được nhận điện lưới Quốc gia với quy mô đầu tư gần 10 km đường dây trung áp 22kV, 6 trạm biến áp, tổng dung lượng 139,5kVA và 7 km đường dây hạ áp với tổng mức trên 3,5 tỷ đồng, nâng tổng số 152/152 xã, phường, thị trấn của tỉnh có điện đạt tỷ lệ 100%.
.png)
Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Xuân Lý khen thưởng những tập thể và cá nhân đã có thành tích thi công đóng điện xã Hồng Thủy, A Lưới ngày 28/01/2003
Sau sự cố nghiêm trọng lật tàu E1 tháng 3/2005 gây thiệt hại về người và tài sản, theo chỉ đạo của Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế ngành Điện của tỉnh đã đầu tư cấp điện cho khu vực Hói Mít, Hói Dừa kịp thời đóng điện vào dịp Quốc khánh 02/9/2005. Trong các năm 2006-2007, ngành điện tập trung tiếp nhận và hoàn thiện lưới điện hạ áp nông thôn sau tiếp nhận để bán điện tận hộ dân tại 49 phường, xã, thị trấn với khối lượng trên 684 km đường dây hạ áp và gần 58.350 khách hàng sử dụng điện, nâng tổng số xã tiếp nhận 116/152 đạt 76,32%. Từ năm 2009-2010 ngành điện triển khai thực hiện Dự án năng lượng nông thôn REII tỉnh Thừa Thiên Huế phần trung áp và hạ áp với tổng mức đầu tư trên 150 tỷ đồng. Những năm từ 2013-2018 ngành Điện của tỉnh tiếp tục tiếp nhận 27/36 xã của dự án REII thống nhất bàn giao hoàn trả vốn vay, với khối lượng gần 445 km; 41.862 công tơ, nâng tổng số xã được tiếp nhận để bán điện tận hộ lên 143/152 đạt tỷ lệ 94%. Tháng 9/2016 ngành điện đóng điện mạch 2 đường dây 220kV Hòa Khánh- Huế.
Như vậy, suốt giai đoạn từ năm 2010-2019 ngành điện triển khai nhiều dự án vay vốn của Ngân hàng Thế giới và Ngân hàng Tái thiết Đức như: Dự án lưới điện phân phối nông thôn tỉnh Thừa Thiên Huế (RD); Dự án thành phần nâng cấp và mở rộng lưới điện phân phối nông thôn tỉnh Thừa Thiên Huế (ADB); Tiểu dự án giảm cường độ phát thải trong cung cấp năng lượng điện (KfW2); Tiểu dự án cải tạo lưới điện trung hạ áp trung tâm huyện lỵ, thành phố tỉnh Thừa Thiên Huế (KfW3.1)… tổng mức đầu tư gần 680 tỷ đồng đáp ứng yêu cầu xây dựng nông thôn mới của tỉnh Thừa Thiên Huế theo tiêu chí số 4 về điện, bình quân suất vốn đầu tư 4,5 tỷ đồng/xã. Phấn đấu đến cuối năm 2019 trên địa bàn toàn tỉnh có 54/104 xã đạt chuẩn nông thôn mới đạt tỷ lệ 59%.
.png)
Đổi thay cơ bản tại vùng nông thôn mới huyện A Lưới
Giai đoạn 2016-2019 là giai đoạn Công ty thực hiện Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 với việc đưa vào vận hành hệ thống giám sát điểu khiển xa SCADA để kết nối 255 điểm nút trên lưới (11/11 TBA 110kV, 01 TBA 220kV, 04 nhà máy thủy điện: A.Roàng, Thượng Lộ, A Lin Thượng, Rào Trăng 4; 10 trạm trung gian, trạm cắt, 40 RMU, 82 LBS, 107 Recloser) từ trạm biến áp và thiết bị phân đoạn trên lưới điện góp phần nâng cao độ tin cậy cung cấp điện. Công ty triển khai thực hiện hệ thống đo xa RF-Spider tại 100% các trạm biến áp công cộng và thay thế, lắp đặt công tơ điện tử để thay công tơ cơ gần 90%; sử dụng Dịch vụ điện cấp độ 4 và đang triển khai cung cấp hợp đồng điện tử cho dịch vụ kinh doanh điện năng, đưa hồ sơ điện tử, hóa đơn điện tử, thanh toán điện tử, giao dịch điện tử vào hoạt động KD&DVKH của EVN theo chủ trương của Chính phủ về đẩy mạnh việc xây dựng nền kinh tế số. Công ty cũng đã triển khai thực hiện sửa chữa nóng lưới điện (Hotline) và vệ sinh cách điện bằng nước áp lực cao góp phần nâng cao độ tin cậy cung cấp điện đến cuối năm 2019 chỉ còn 290 phút. Thực hiện cung cấp đầy đủ 20 dịch vụ điện trực tuyến lên Cổng dịch vụ công của tỉnh Thừa Thiên Huế tiến tới kết nối với Cổng dịch vụ công Quốc gia. Triển khai tiện tích để giám sát, theo dõi việc tham gia tiếp nhận, xử lý các phản ánh trên hệ thống thông tin phản ánh hiện trường Hue-S và được UBND Tỉnh đánh giá cao.
Đầu tư phát triển lưới điện cho sự nghiệp CNH-HĐH
Gần 45 năm duy trì, khôi phục đầu tư và phát triển lưới điện đến nay trên địa bàn tỉnh có 2 trạm biến áp 220kV, tổng dung lượng 250MVA, 11 trạm 110kV, tổng dung lượng 573MVA, 410 km đường dây cao áp 110kV, 07 trạm biến áp trung gian, tổng dung lượng 26,5MVA; 2.091 km đường dây trung áp và 2.874 km đường dây hạ áp; 2.277 trạm biến áp phụ, tổng dung lượng trên 658MVA. Sản lượng điện thương phẩm năm 2019 đạt 1,797 tỷ kWh tăng gần 180 lần so với năm 1975. Tổn thất điện năng giảm gần 22,2% so với năm 1989. Lưới điện trung hạ áp tăng gần 40 lần. Trạm biến áp tăng gần 46 lần, tổng dung lượng tăng hơn 200 lần. Công suất sử dụng cao điểm 300,5MW tăng trên 130 lần so với năm 1975. Doanh thu tăng 1827 lần so với năm 1975. Tài sản tăng gần 349 lần. Khách hàng sử dụng điện tăng trên 122 lần so với năm 1975. Từ chỗ chỉ cung cấp điện cho nhu cầu sinh hoạt của nhân dân thành phố Huế, nay lưới điện đã được mở rộng đến vùng nông thôn miền núi, tất cả 152/152 các xã, thị trấn trong toàn tỉnh đã có điện và hơn 99,98% số hộ nông thôn miền núi đã được sử dụng điện góp phần đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Bên cạnh đó, ngành Điện của tỉnh còn chú trọng trong đầu tư để đáp ứng cho phụ tải công nghiệp lớn của tỉnh như: các khu công nghiệp Phú Bài, Phong Điền, Tứ Hạ; khu kinh tế Chân Mây-Lăng Cô; cửa khẩu Hồng Vân, A Đớt... theo hướng ưu tiên phát triển du lịch, dịch vụ và đảm bảo cấp điện an toàn, ổn định phục vụ các sự kiện văn hóa, chính trị quan trọng diễn ra trên địa bàn tỉnh. Đội ngũ CBCNVC-LĐ ngành Điện của tỉnh đã trưởng thành về nhiều mặt không chỉ tăng về số lượng và chất lượng cũng được tăng lên (trong tổng số trên 700 CBCNVC-LĐ số người có trình độ đại học và trên đại học đạt tỷ lệ hơn 20%). Đội ngũ công nhân lao động đều được đào tạo tay nghề kỹ thuật bài bản, là lực lượng lao động có ý thức cao chấp hành mọi chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, thực hiện tốt quy trình, quy phạm của ngành điện đề ra. Đội ngũ cán bộ quản lý, kỹ sư đã tích luỹ được nhiều kinh nghiệm trong các lĩnh vực công tác, chuyên môn, nghiệp vụ đủ sức đảm nhận mọi nhiệm vụ được giao. Mô hình tổ chức sản xuất đã được đổi mới theo hướng từ không có điện lực trực thuộc đến nay toàn Công ty đã có 10 điện lực và các đội sản xuất. Việc bố trí nhân lực, cơ sở vật chất, kỹ thuật đã được lãnh đạo Công ty quan tâm và đầu tư đúng mức nhằm chủ động và phát huy tốt hiệu quả trong sản xuất kinh doanh. Đời sống, việc làm của người lao động được quan tâm. Lãnh đạo chuyên môn và Công đoàn đã chú trọng chăm lo đến đời sống tinh thần, vật chất cho người lao động; tiền lương và thu nhập của người lao động năm sau tăng hơn năm trước, phù hợp với mức tăng năng suất lao động và chế độ tiền lương theo quy định của Nhà nước. Phong trào thi đua lao động sản xuất đều hướng vào các mục tiêu năng suất, chất lượng, hiệu quả nhằm giảm suất sự cố, giảm tổn thất điện năng, nâng cao chất lượng dịch vụ khách hàng, bảo vệ môi trường… Ngoài ra, Công ty cũng đã vận động CBCNVC-LĐ tham gia đông đảo để thực hiện tốt nhiệm vụ bảo đảm an sinh xã hội vì cộng đồng như: các hoạt động từ thiện, xây dựng nhà tình nghĩa, xây dựng quỹ khuyến học, quỹ vì người nghèo... Đảng bộ Công ty hiện nay mà tiền thân là chi bộ đảng Nhà Đèn Huế, là chi bộ đầu tiên của Thành ủy Huế được thàng lập tháng 4/1930, với bề dày truyền thống trong đấu tranh cách mạng giành độc lập dân tộc và xây dựng Tổ quốc. Đến nay, Đảng bộ có số lượng 255 đảng viên, sinh hoạt tại 20 chi bộ trực thuộc nhiều năm liên tục được Đảng ủy Khối Cơ quan & Doanh nghiệp tỉnh công nhận là “Đảng bộ trong sạch vững mạnh tiêu biểu”.
Có được sự trưởng thành vượt bậc hôm nay, tập thể lãnh đạo và CBCNVC-LĐ ngành Điện của tỉnh hiện đang công tác nhận thức sâu sắc rằng: đó là nhờ sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của lãnh đạo Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh qua các thời kỳ, sự phối hợp giúp đỡ của các sở, ban ngành trong tỉnh và các cấp chính quyền địa phương; các thế hệ lãnh đạo Tổng công ty Điện lực miền Trung qua các thời kỳ luôn dành cho Công ty những tình cảm và sự quan tâm chỉ đạo sâu sát; đặc biệt là các đồng chí lãnh đạo đơn vị và các thế hệ CBCNVC-LĐ của Công ty đã khắc phục mọi khó khăn, gian khổ, nỗ lực xây dựng nên truyền thống tốt đẹp, phấn đấu kiên trì, bền bỉ cho sự phát triển của Công ty nói riêng và ngành điện Việt Nam nói chung trong những năm qua.
Ngành Điện của tỉnh xin chân thành cám ơn sự ủng hộ, thông cảm của quý khách hàng sử dụng điện, sự phối hợp giúp đỡ của các đơn vị bạn trong và ngoài ngành, cảm ơn sự theo dõi đưa tin và động viên cổ vũ kịp thời của các cơ quan thông tấn, báo chí từ Trung ương đến địa phương với các hoạt động của ngành Điện của tỉnh trong những năm vừa qua. Thế hệ CBCNVC-LĐ ngành Điện của tỉnh hôm nay rất biết ơn và trân trọng ghi nhận những đóng góp to lớn, những tình cảm quý báu đó và mong muốn tiếp tục nhận được những ý kiến chỉ đạo và sự quan tâm, giúp đỡ của các đồng chí lãnh đạo tỉnh; lãnh đạo Tổng công ty trong những bước phát triển đi lên của Công ty trong những năm tới.
Bước sang giai đoạn 2020-2025 bám sát nghị quyết của Trung ương và của Tỉnh Đảng bộ, với mục tiêu tiếp tục ưu tiên mọi nguồn lực để đầu tư phát triển mạnh kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại và thông minh phục vụ các ngành kinh tế mũi nhọn. Dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng uỷ, lãnh đạo Công ty sẽ tiếp tục phát huy các thành tích đã đạt được nỗ lực phấn đấu để xây dựng tập thể đoàn kết nhất trí, phát huy dân chủ, với tinh thần năng động, sáng tạo, huy động mọi nguồn nội lực để đón nhận và ứng dụng hiệu quả các thành tựu của Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 nhằm tăng năng suất lao động, đảm bảo cấp đủ điện, an toàn, liên tục và chất lượng cho nhu cầu phát triển kinh tế -xã hội, củng cố quốc phòng -an ninh và đời sống sinh hoạt của nhân dân trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế. Tạo bước đi đột phá, vững chắc và tạo dựng hình ảnh riêng của Công ty nhưng hài hòa trong sự phát triển chung của ngành Điện Việt Nam trong giai đoạn cách mạng mới. Nhiệm vụ đặt ra cho ngành Điện của tỉnh trong những năm tới còn rất nặng nề. Nhưng chúng tôi tin tưởng rằng dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, Tổng công ty Điện lực miền Trung phát huy truyền thống 65 năm và những thành tựu đã đạt được để Công ty phát triển nhanh, bền vững, thu được nhiều thành tích hơn nữa trong hoạt động sản xuất kinh doanh điện năng; phát triển hạ tầng hệ thống điện hiện đại và đồng bộ, đạt trình độ tiến tiến, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trên địa bàn của tỉnh, phấn đấu đến năm 2025 Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.